Trường nghề ở vùng sâu, vùng xa vẫn nhiều thách thức
Hiện nay, việc chuyển đổi mô thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến đang dần trở thành thói quen của cả người học lẫn người dạy từ bậc THPT tới ĐH. Việc số hóa bài giảng và phương thức dạy học tích hợp trên nền tảng của thành tựu công nghệ đã dần mang đến những thành tựu nhất định.
Số hóa bài giảng, học liệu và cả các học phần thực hành mô phỏng tại nhiều cơ sở GD nghề nghiệp (NN) đã mang lại sự hào hứng nhất định cho người học. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông, chuyển đổi số trong giáo dục, đặc biệt là với GDNN (nhất là vùng sâu, vùng xa) vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua.
“Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông dù mới thành lập 5 năm nhưng với định hướng chiến lược đào tạo nhân lực trọng điểm cho vùng, gắn với sự chuyển đổi của kỉ nguyên số, Nhà trường đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm đào tạo trực tuyến; phần mềm giảng dạy thiết kế và mô phỏng đào tạo động cơ ôtô (ngành công nghệ ôtô); phần mềm giảng dạy thiết kế và mô phỏng đào tạo biến tần (ngành điện công nghiệp)… nhằm phục vụ tốt công tác giảng dạy và học tập.
“Việc số hóa, xây dựng, cập nhật học liệu số, xây dựng bài giảng điện tử và khai thác các nguồn học liệu được trường đặc biệt chú trọng, yêu cầu giảng viên thực hiện. Tuy nhiên, do đặc thù địa hình và loại hình đào tạo, hoạt động này còn mang tính tự phát, chưa trở thành hệ thống và khó kiểm soát chất lượng. Những hạn chế, bất cập này nếu không tháo gỡ, sẽ cản trở việc chuyển đổi số của trường”- TS Lành cho biết.
Phần mềm mô phỏng động cơ ôtô được áp dụng giảng dạy. |
ThS Đặng Minh Sự - Trưởng phòng GDNN, Sở LĐTB&XH TPHCM cho biết: Thực tế hiện nay các trường nghề vẫn còn loay hoay với vấn đề chuyển đổi số, bởi cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng; giáo trình và bài giảng chưa được số hóa, chưa có hệ thống dữ liệu dùng chung.
Một khó khăn nữa trong chuyển đổi số là năng lực giáo viên còn hạn chế. Lãnh đạo nhiều trường nghề dù rất tâm đắc và quan tâm đến đổi mới hoạt động quản trị nhà trường, cũng như số hóa hoạt động dạy học nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu và triển khai như thế nào khi nguồn tài chính eo hẹp, cơ sở vật chất, hạ tầng không cho phép.
Đồng tình việc chuyển đổi số trong hệ thống GDNN phải có sự đồng bộ cả về hạ tầng công nghệ lẫn lực lượng đội ngũ giảng viên, ThS Hà Duy Bình, Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn chuyển đổi số TPHCM cho rằng chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN không phải là vấn đề to tát mà là sự hỗ trợ hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp và tinh thần khởi nghiệp, hỗ trợ người dạy, người học tiếp cận nhanh với các phương pháp mới, những ngành nghề 4.0.
“Trường nghề ở bất cứ địa phương nào muốn thực hiện chuyển đổi số thành công thì địa phương ấy cần có trung tâm điều hành GDNN thông minh. Đây là cơ sở để các trường kết nối dữ liệu dùng chung, hoàn thiện chuyển đổi số từ quản lý đào tạo, phương pháp giảng dạy cho đến xây dựng dữ liệu số cho người học” - ông Bình nói.
Giáo viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông tại lễ vinh danh Thiết bị dạy học tự làm. |
Cần lực đẩy lớn cho các trường nghề tại địa bàn khó khăn
Chương trình Chuyển đổi số trong GDNN giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 phấn đấu 100% chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số; phấn đấu 100% chương trình đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, công nghệ số được cập nhật phù hợp với ứng dụng khoa học công nghệ mới.
Trong đó, mục tiêu chính của Chương trình là hình thành bản đồ số mạng lưới cơ sở GDNN vào năm 2025 và liên kết bản đồ số mạng lưới cơ sở GDNN với các hệ thống chứng thực và tra cứu thông tin GDNN vào năm 2030. Phấn đấu 100% các trường chất lượng cao là trường học số vào năm 2030.
Theo ThS Hà Duy Bình, mục tiêu chuyển đổi số trong GDNN là nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Tuy vậy, muốn đạt được mục tiêu trên, Chính phủ cần tăng cường đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước nhằm hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ cho công tác GDNN. Trong đó, việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số, phương pháp đào tạo số cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải thực hiện thường xuyên và đồng bộ.
TS Nguyễn Hữu Lành – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông nhìn nhận để hệ thống trường nghề tại địa phương có thể thực hiện tốt nhiệm vụ số hóa và chuyển đổi số trong giảng dạy, hướng tới mục tiêu hoàn thành các tiêu chí trong quản lý, đào tạo và giảng dạy của chương trình chuyển đổi số Quốc gia thì từng địa phương phải có chính quyền điện tử, xây dựng Chính quyền số và Đô thị thông minh.
Thế nhưng, hiện nay, theo số liệu chỉ số chuyển đổi số (DTI) của tỉnh Đắk Nông năm 2021 chỉ đạt 0,3509 điểm, xếp thứ 41/63 tỉnh, thành phố trên cả nước nằm trong nhóm trung bình thấp về xếp hạng chuyển đổi số. Vì thế chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cả về kinh tế và xã hội.
Học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông thực tập tại Doanh nghiệp. |
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong GDNN, từng cơ sở giáo dục phải tích cực quán triệt quan điểm, mục tiêu chuyển đổi số của Trung ương, địa phương và của ngành về sự cần thiết và tính cấp thiết. Đồng thời, tập huấn, đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số.
Đặc biệt, các cơ sở giáo dục phải xây dựng, bổ sung, chỉnh sửa và đổi mới chương trình đào tạo chuẩn kiến thức, năng lực thực hiện cho các ngành nghề đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số. Lồng ghép các chương trình đào tạo, các môn học liên quan đến công nghệ thông tin, kỹ năng số nhằm cung cấp các kỹ năng số cơ bản, nâng cao cho người học.
Việc xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về cơ sở GDNN số, hạ tầng số, phòng thực hành số, giáo trình số, chương trình đào tạo số, ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, thực tế hỗn hợp trong hoạt động GDNN cũng cần sớm hoàn thiện. ” – TS Lành chia sẻ.