Lâu nay chúng ta thường nghe câu quen thuộc “thừa thầy, thiếu thợ”; Thật vậy, trong khi nhiều sinh viên đại học, với tấm bằng cử nhân hạng khá, hay thậm chí thạc sĩ một chuyên ngành vẫn đang loay hoay tìm việc, chờ việc thì các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ lại “đỏ mắt” tìm người làm được việc. Thực tế ấy đang mở ra một xu hướng rõ ràng: học nghề để nắm bắt cơ hội, thực học, thực hành để làm thật với mức thu nhập cao.
Doanh nghiệp “khát” người làm được việc
Trên thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực lành nghề đáp ứng yêu cầu vị trí công việc như Công ty TNHH DV Cơ khí Hàng hải và các ông ty thành viên, Công ty Quản lý và điều phối Lao động Công ty PISC M&C…là một ví dụ điển hình.
Theo ông Ông Nguyễn Hữu Thủy - Trưởng phòng Nhân sự - Kỹ thuật - An toàn công ty TNHH Thương mại và Cơ khí Dương Tiến Phát tại TP. Vũng Tàu chia sẻ “hiện tại Công ty đang rất cần số lượng lớn nguồn lao động đã qua đào tạo nghề và sẵn sàng trả mức lương khởi điểm từ 10 - 13 triệu đồng/tháng, nếu làm việc ngoài giàn khoan trên biển mức lương có thể lên tới trên 30 triệu đồng/ tháng….” Nhưng vẫn tuyển thiếu nhân sự.
Ông Nguyễn Hữu Thủy - Trưởng phòng Nhân sự - Kỹ thuật - An toàn công ty TNHH Thương mại và Cơ khí Dương Tiến Phát
Bảng nhu cầu tuyển dung của công ty TNHH Thương mại và Cơ khí Dương Tiến Phát
Học nghề: con đường ngắn nhưng chắc chắn
Giữa cơn khát nhân lực ấy, học nghề đang dần trở thành lựa chọn thực tế cho nhiều bạn trẻ. Thay vì mất 4 - 5 năm trên giảng đường đại học nhận được tấm bằng “chỉ để đổi chữ oai” (như nhiều người thường nói đùa), nhiều học sinh sau THPT hoặc sau THCS đã quyết định thực học, thực hành và làm thật bằng cách chọn học nghề để nhanh chóng có việc làm, ổn định cuộc sống.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông (cũ) đến thăm và chụp ảnh lưu niệm cùng sinh viên ngành Bảo vệ thực vật tại trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông
Bà Đỗ Thị Là - Phó Hiệu trưởng trường cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông chia sẻ: “Như chúng ta đã biết, tại các quốc gia phát triển trên thế giới, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được xem là giải pháp căn cơ nhằm nâng cao năng suất lao động, giúp giới trẻ sớm ổn định cuộc sống như ở Đức, Nhật, Hàn Quốc, Singapore… Ở nước ta cũng vậy, việc định hướng, phân luồng học sinh sang giáo dục nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THCS và THPT là một hướng đi đúng đắn, giúp cho phụ huynh cũng như học sinh nhận thức sớm, thay đổi tư duy, có định hướng đúng đắn và xây dựng nền tảng vững chắc để các bạn trẻ sớm thành công với chính năng lực của mình”.
“Ở nước ta với nghiều chính sách ưu đãi của nhà nước như: Nghị định 81/2021/NĐ-CP, Quyết định 53/2015/QĐ-TTg và các chính sách riêng của từng địa phương cũng là một lợi thế đối với việc phát triển GDNN, đây cũng là những thuận lợi cho phụ huynh và học sinh vì giảm được gánh nặng tài chính và thời gian học tập cho người học và gia đình”
Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ hiên nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục đào tạo, học sinh học nghề giờ đây được học với thiết bị hiện đại với 30% lý thuyết - 70% thực hành; Cơ sở GDNN tích cực liên kết với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo và giải quyết việc làm, tạo môi trường đào tạo hiện đại gắn với thực tế; thậm chí HSSV trong thời gian thực tập còn được doanh nghiệp hỗ trợ lương thực tập sinh... Nhưng quan trọng hơn hết là các em được học đúng nghề mình muốn, cũng như đúng việc doanh nghiệp cần, sau khi ra trường có việc làm ngay với thu nhập cao, ổn định và phát huy được năng lực sở trường.
Chuyển biến trong tư duy xã hội
Tư duy “phải học đại học mới thành công” đang dần thay đổi. Ngày càng nhiều phụ huynh, học sinh nhận ra rằng thành công không phụ thuộc vào tấm bằng, mà phụ thuộc vào kỹ năng, thái độ và sự phù hợp với nghề.
Sinh viên Nguyễn Văn Nam - Lớp cao đẳng nghề Công nghệ ô tô, khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Trường CĐCĐ Đắk Nông chia sẻ: “Em học xong THPT nhưng ngần ngại chưa biết học gì, làm gì vì thấy mấy anh chị học đại học xong rất khó xin được việc làm như mong muốn. Qua thời gian tìm hiểu kỹ em quyết định học nghề Công nghệ ô tô tại trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông. Tại trường, Nam luôn được các thầy cô dạy bảo tận tình, học kỹ lý thuyết, thực hành trên phần mềm mô phỏng giả định và thực tế trên thiết bị ô tô hiện đại, thực tập thực tiễn tại doanh nghiệp…hiện tại em có thể vừa học vừa đi làm thêm tại các Garage ô tô để kiếm thêm thu nhập và trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, Em rất tự tin và hài lòng với lựa chọn của mình.
Sinh viên Nguyễn Văn Nam - Lớp Công nghệ ô tô, khoa Kỹ thuật - Công nghệ, trường CĐCĐ Đắk Nông
Giáo dục phổ thông đã bắt tay vào việc phân luồng từ rất sớm
Cô Hà Thị Hảo - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ về quan điểm phân luồng như sau: Câu chuyện phân luồng học sinh sau THCS, THPT vốn từng là “điểm nghẽn” nay đang dần có những chuyển biến tích cực tại ngôi trường THCS Phan Bội Châu nơi cô từng là Hiệu trưởng, và bây giờ, về với ngôi trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm cô Hảo dành nhiều sự quan tâm đến công tác hướng nghiệp, phân luồng. Ngoài trường Nguyễn Bỉnh Khiêm thì rất nhiều trường học đã chủ động liên hệ với trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông để phối hợp, hỗ trợ công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp từ sớm cho học sinh thay vì mặc định con đường duy nhất là học đại học.
Cô Hà Thị Hảo - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm
Cô Hảo cũng cho rằng “Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông được Chính phủ phê duyệt có đặt mục tiêu cho từng giai đoạn, đây là một định hướng đúng đắn. Theo đó, những năm gần đây, nhà trường đã rất tích cực phối hợp với trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông cũng như các trường nghề, tổ chức tư vấn hướng nghiệp giúp học sinh hiểu rõ hơn về GDNN, xu hướng nghề nghiệp để học sinh có những định hướng về các lựa chọn cho tương lai. Trong thời điểm hiện nay, nếu các trường nghề, phối hợp tốt với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo, đảm bảo cam kết việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp sẽ là cơ hội tốt để phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, đáp ứng thị trường lao động góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Một buổi hướng nghiệp tại các trường THCS, THPT
Cô Hảo chia sẻ thêm: “Trước đây, nhiều phụ huynh còn nặng tâm lý phải vào đại học mới là giỏi, nên các em học sinh cũng chịu áp lực rất lớn.. nhưng hiện nay tư duy này đang dần thay đổi rõ nét thể hiện bằng con số cụ thể: mỗi năm trường có khoảng 20 - 25% học sinh lớp 9 chọn học nghề hoặc tiếp tục học hệ giáo dục thường xuyên kết hợp học nghề. Tỷ lệ này đang có xu hướng tăng, đặc biệt ở những em học sinh có định hướng rõ ràng và mong muốn đi làm sớm để phụ giúp gia đình. Chúng tôi không coi đó là ‘rẽ ngang’ hay ‘học kém’, mà là một lựa chọn phù hợp với năng lực, điều kiện và mục tiêu sống của mỗi học sinh. Quan trọng là các em có kỹ năng, có nghề, và có tương lai tốt.”
Không chỉ ở thành phố, nhiều trường vùng nông thôn cũng đang đẩy mạnh hoạt động phân luồng theo hướng thực chất hơn, không chạy theo thành tích thi cử mà tập trung vào quyền lợi lâu dài cho học sinh.
Hướng nghiệp, phân luồng học sinh một cách phù hợp sẽ tạo tín hiệu tích cực cho tương lai
Xu hướng học nghề không chỉ giải quyết bài toán nhân lực cho doanh nghiệp, mà còn mở ra cánh cửa phát triển cho hàng triệu bạn trẻ - những người muốn làm chủ cuộc đời bằng con đường “Thực học, thực hành, thực danh, thực nghiệp”.
Cơn “khát” nhân lực sẽ không sớm kết thúc, đây là cơ hội để người học chọn đúng hướng đi, biết mình cần gì và sẵn sàng bắt tay vào làm. Thay vì chen chân vào cánh cửa hẹp của đại học, nhiều bạn trẻ đã tìm được lối đi riêng, vững vàng bằng con đường học nghề. Trong cuộc đua nghề nghiệp hiện đại, ai làm được việc đó sẽ là người chiến thắng.
Bài - Ảnh: Hữu Sáng - Mỹ Hằng, Truyền thông - DNCC