Sinh viên hệ cao đẳng tại trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông
* TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT): "Mô hình đang được một số nước phát triển triển khai"
Đề án của Bộ Lao động - thương binh và xã hội được thực hiện khá công phu. Quá trình học từ sau lớp 9 lên cao đẳng được chia thành ba giai đoạn. Trong đó sau hai năm đầu sẽ hoàn thành bậc sơ cấp, một năm sau sẽ hoàn thành bậc trung cấp và hai năm cuối sẽ hoàn thành bậc cao đẳng. Mô hình này cũng đã được một số nước phát triển đang triển khai.
Cần chuẩn bị thật chu đáo về tính pháp lý khi thực hiện đề án, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Bởi vì dù là chương trình thí điểm nhưng tấm bằng người học nhận được phải có giá trị sử dụng, không phải "tấm bằng thí điểm".
Kế đến cần có đánh giá cụ thể nhu cầu nhân lực trình độ cao đẳng, từ đó xác định quy mô và phạm vi đào tạo. Một số doanh nghiệp FDI ở nhiều nước có xu hướng chuộng tuyển những người tốt nghiệp lớp 12 rồi cho tham gia một số chương trình đào tạo riêng kéo dài vài tháng hơn là người lao động bậc cao đẳng.
Vì vậy, khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu về nguồn nhân lực sẽ giúp đề án đi vào thực tế, gắn với thị trường lao động và đạt được mục tiêu phân luồng tốt hơn.
Cuối cùng là rất chú ý đến đội ngũ giáo viên chất lượng. Chẳng hạn với mô hình KOSEN ở Nhật, có đến 40% người đứng lớp là giáo sư, 60% là tiến sĩ. Chi phí đào tạo được phân bổ cho một đơn vị là rất lớn, đồng thời các trường liên kết rất chặt với doanh nghiệp để giảng dạy và tạo cơ hội thực hành cho người học.
* TS Đồng Văn Ngọc, hiệu trưởng Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội: "Nên được trao quyền linh hoạt hơn các môn văn hóa"
Để đề án mang nhiều ý nghĩa thực tiễn nhưng để thật sự đi vào cuộc sống lại phụ thuộc khá lớn vào "mắt xích" là Bộ GD-ĐT.
Việc dạy các môn văn hóa cho các em tốt nghiệp lớp 9 học nghề theo quy định của Bộ GD-ĐT hiện vẫn đang phụ thuộc vào các trung tâm giáo dục thường xuyên. Để các cơ sở giáo dục tự giảng dạy và làm việc trực tiếp với các cơ quan quản lý các môn văn hóa này sẽ hiệu quả hơn.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên được trao quyền linh hoạt với các môn văn hóa trong thí điểm. Chẳng hạn nếu các em chọn học nghề liên quan đến công nghệ, kỹ thuật, sẽ được học nhiều hơn các môn toán, lý, hóa với những nội dung các em có thể ứng dụng sau này. Ngược lại, với các em theo hướng du lịch, dịch vụ có thể được tăng cường các môn xã hội như văn, sử, địa.
Việc các trường có thể linh hoạt như vậy cũng sẽ giúp giảm bớt áp lực về các môn sở đoản mà còn giúp các em có thêm thời gian đầu tư các kiến thức, kỹ năng hữu ích cho công việc của mình sau này.
* Phó hiệu trưởng một trường cao đẳng tại TP.HCM: "Cốt lõi là chất lượng giáo viên"
Khi triển khai thí điểm, vấn đề cốt lõi là chất lượng giáo viên dạy nghề. Nội dung chương trình có thể chuyển tiếp từ nước ngoài nhưng thành công hay không do đội ngũ giáo viên quyết định.
Học sinh vừa tốt nghiệp cấp III đang ở độ tuổi có nhiều chuyển biến về tâm sinh lý hay có bạn chưa định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Các giáo viên đảm nhiệm chương trình sẽ phải vừa dạy, vừa dỗ, vừa định hướng học sinh.
Hoàng Thi - Báo Tuổi trẻ Online
© 2020 DNCC.EDU.VN All Rights Reserved.