Trường Cao Đẳng Cộng Đồng Đăk Nông

Trường Cao Đẳng Cộng Đồng Đăk Nông | Đào tạo nghề là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn hiện đại

Trường Cao Đẳng Cộng Đồng Đăk Nông

Đào tạo nghề là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn hiện đại

01/06/2022
[Bấm để nghe giọng đọc]

"Thời gian tới, cần phải coi đào tạo nghề là một trong những khâu đột phá trong xây dựng cơ cấu nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam sáng 29/5, TS. Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia nông nghiệp nêu vấn đề, muốn thực hiện thành công việc xây dựng thế hệ nông dân thông minh thì công tác đào tạo nghề rất quan trọng. 

Đào tạo nghề là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn hiện đại - 1

Quang cảnh buổi đối thoại. (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Chính phủ có chính sách đột phá gì về đào tạo nghề cho nông dân, để hình thành một thế hệ nông dân làm nông nghiệp một cách chuyên nghiệp?"- ông Nguyễn Lân Hùng đặt câu hỏi.

Đào tạo nghề là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn hiện đại - 2

Ông Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia nông nghiệp nêu câu hỏi tại Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Nông dân vừa là chủ thể vừa là trung tâm của nông nghiệp

Trả lời câu hỏi theo ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay, Chương trình xây dựng nông thôn mới rất thành công. 

"Chúng ta xác định, nông dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp nên phải chú trọng nâng cao trình độ, năng lực và khả năng làm chủ cho nông dân theo tinh thần mà Hội nghị Trung ương 5 vừa nêu ra là toàn diện và văn minh", Bộ trưởng Dung nói.

Đào tạo nghề là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn hiện đại - 3

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời câu hỏi liên quan đến ngành lao động-thương binh và xã hội tại hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Về vấn đề đổi mới trong đào tạo nghề, ông Dung tán thành quan điểm phải chú trọng công tác tuyên truyền. Ông bày tỏ nuối tiếc khi trước đây, vào mỗi buổi sáng, trên truyền hình, sau thời sự là đến chương trình bàn kinh nghiệm làm giàu nêu những vấn đề rất hay, thiết thực, nhưng nay không còn.

Thời gian tới, Bộ trưởng Lao động lưu ý một số vấn đề cần quan tâm liên quan đến đào tạo nghề.

Trước hết, người lao động cần hình thành thói quen tự đào tạo, tự nâng cao kiến thức cho mình. Bộ trưởng mong Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng thực hiện việc này.

Theo người đứng đầu ngành lao động, đổi mới đào tạo nghề, trong đó cần đổi mới công tác tuyên truyền như tư vấn hướng nghiệp, định hướng cho nông nghiệp, cho nông dân. Về vấn đề này, với mỗi vùng cần cách thức đổi mới tuyên truyền khác nhau.

"Tôi nhớ trước 2010, ở Trạm Tấu, bà con còn chưa biết trồng ngô. Chúng tôi đã phải huy động sinh viên trường nông nghiệp lên hướng dẫn bà con trồng ngô. Sau đó, một vụ, hai vụ thành công, bà con ở đó mới làm theo. Từ chuyện này cho thấy, nhiều nông dân cần có lực lượng mang tính chất dẫn dắt", ông Dung  nói.

Ngoài ra, đổi mới trong công tác đào tạo nghề phải gắn với đổi mới chương trình, giáo trình, học liệu… Từ đó, để làm sao gắn đào tạo với cơ cấu lao động, sinh kế và việc làm tại chỗ cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân.

Vấn đề tiếp theo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh là phải đổi mới cơ cấu nguồn lực đầu tư.

"Trong 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, chúng ta đã bố trí khá nhiều nguồn lực cho đào tạo nghề, nhưng qua kiểm tra, khi về địa phương, khoản này thường bị cắt xén bớt, chuyển sang nhiệm vụ khác. Thời gian tới, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực cho đào tạo nghề một cách chính xác, đầy đủ", ông Dung nhấn mạnh.

Một vấn đề ông Dung nhấn mạnh trong vấn đề đào tạo nghề, đó là phải phân vai, phân công rõ ràng cho từng Bộ, ngành. Theo đó, toàn bộ hoạt động đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh; đào tạo nghề phi nông nghiệp thuộc trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

"Chúng ta có 55 triệu lao động, trong đó 75% đã được đào tạo, nhưng chỉ có hơn 24% có chứng chỉ hành nghề, thuộc diện thấp trong khối ASEAN. Thủ tướng đã phê duyệt chương trình chiến lược trong đào tạo nghề. Do đó, thời gian tới chúng ta phải coi đây là một trong những khâu đột phá trong xây dựng cơ cấu nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại", ông Dung nói thêm.

Di cư là quyền của người lao động

Trao đổi về vấn đề lao động di cư, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người lao động mà các đại biểu nêu ra tại hội nghị đối thoại, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Thủ tướng đã ký Tuyên bố ASEAN (tại Philippines) về thế giới việc làm và quyền của lao động di cư.

Theo đó, di cư lao động là quyền của người lao động. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu lao động di cư. Di cư lao động là việc bình thường trong nền kinh tế thị trường. 

"Nhưng vừa qua, trong đại dịch Covid-19, vấn đề lao động di cư lại có yếu tố bất bình thường. Chính phủ, Đảng, Nhà nước đã có những cơ chế chính sách đặc biệt chưa có tiền lệ, dành 89.000 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 55 triệu lượt người để phục hồi sản xuất....", ông Dung nói. 

Từ đó, với vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng cho rằng: "Xây dựng nông thôn mới phải đi liền với đô thị hóa, phát triển các vùng phụ trợ. Chúng ta có 2,7 triệu lao động khu vực dệt may, đều xuất phát từ nông thôn. Từ đó để thấy, phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị phải có các công trình phục vụ công tác an sinh xã hội như nhà ở cho công nhân, trường học...".

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tán thành với phân tích của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về vấn đề chuyển dịch lao động trong kinh tế thị trường. 

Theo ông  Hầu A Lềnh, đồng bào dân tộc thiểu số cư trú trên khu vực rất rộng lớn, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Đây là vùng có tiềm năng rất lớn về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và du lịch... Với hệ thống chủ trương, chính sách hiện nay của Đảng, Nhà nước như đầu tư hạ tầng, các chính sách có liên quan đến nông dân, nông thôn, thì cơ hội cho phát triển nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc rất lớn.

Đào tạo nghề là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn hiện đại - 4

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Thực tế nhiều tỉnh như Sơn La, một số tỉnh vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên... bà con dân tộc thiểu số đã có nhiều mô hình sản xuất tốt, có hiệu quả. Theo tôi, thanh niên dân tộc thiểu số cũng nên có nghiên cứu cách làm và trở về khu vực của mình để phát huy thế mạnh này", ông Hầu A Lềnh nói.

"Nguồn nhân lực được coi là yếu tố cốt lõi"

Trao đổi thêm về vấn đề đào tạo nghề hiệu quả cho lao động nông thôn, Giáo sư Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nêu quan điểm đồng tình với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay.

Theo bà Lan, để phát triển nông nghiệp theo định hướng của Chính phủ, ngoài các giải pháp về tài chính thì vấn đề nguồn nhân lực được coi là cốt lõi.

Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm đến quy hoạch nguồn nhân lực.

Đào tạo nghề là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn hiện đại - 5

Thủ tướng phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Nói thêm về vấn đề tạo công ăn việc làm, Thủ tướng gợi ý, thực tế tại Việt Nam, nơi tạo ra công ăn việc làm nhiều nhất vẫn là ở các thành phố lớn, như Hà Nội, TPHCM, vùng phụ cận... Đó là các trung tâm, có kết nối giao thông thuận tiện.

"Ví dụ như Hà Nội, khi không gian đô thị trở nên chật hẹp thì sẽ mở rộng ra các khu vực giáp ranh, từ đó tiếp tục lan tỏa, phát triển rộng ra. Khi hạ tầng đồng bộ, giao thông kết nối thuận tiện sẽ thúc đẩy nhiều vùng cùng phát triển, thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương, khu vực, từ đó tạo ra nhiều công ăn việc làm tại chỗ hơn", Thủ tướng nói.

Từ đó, Thủ tướng nhấn mạnh, đầu tư hạ tầng tạo không gian phát triển rộng hơn. Hạ tầng chính là yếu tố then chốt cho các địa phương phát triển, là yếu tố chính thu hút lao động. Bài toán mà Đảng, Nhà nước đã chỉ rõ từ Đại hội 11 là phải tạo đột phá về giao thông. "Đường sá chạy đến đâu sẽ tạo ra không gian phát triển đến đó. Giao thông sẽ tạo ra hút đầu tư, hình thành khu công nghiệp, khu đô thị, từ đó tạo ra công ăn việc làm và thu hút lao động", Thủ tướng khái quát.

Về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, Thủ tướng cho biết, ngay đầu nhiệm kỳ này, Nhà nước đã dành 2.000 tỷ đồng cho đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần sự chung tay của cả xã hội, trong đó có các trường dạy nghề.

Nguồn: Nguyễn Dương - Dantri.com.vn

Trường Cao Đẳng Cộng Đồng Đắk Nông
Trụ sở chính: Đường Hùng Vương, Tổ dân phố 6, phường Nghĩa Trung, Thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông
Cơ sở 1: Quốc lộ 14, Tổ dân phố 4, phường Nghĩa Tân, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông
Điện thoại: 02613.577.699
Hotline: 02613.500.299
Email: caodangcongdong@daknong.gov.vn

Trụ sở chính

Cơ sở 1

© 2020 DNCC.EDU.VN All Rights Reserved.