Việc dạy văn hóa cho học sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang thiếu đồng bộ trong tổ chức triển khai. Ông Lê Quân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, nêu ý kiến.
Ngày 26/3, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam, Hiệp hội các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế - kỹ thuật đã gửi công văn lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "kêu cứu" về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang thực sự gặp nhiều khó khăn, bất cập do Bộ Giáo dục và Đào tạo chậm ban hành thông tư quy định liên quan.
Báo VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quân - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau một số vấn đề xung quanh sự việc này.
Ông Lê Quân - Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau. |
Phóng viên:Thưa ông, vừa qua hiệp hội các trường nghề đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang gặp bế tắc do Bộ Giáo dục và Đào tạo chậm ban hành thông tư quy định liên quan. Ông nhìn nhận gì trước sự việc trên?
Ông Lê Quân: Việc dạy văn hóa cho học sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không vướng về luật, mà do thiếu đồng bộ trong tổ chức triển khai. Luật Giáo dục nghề nghiệp 2015 và Luật Giáo dục sửa đổi 2019 đã quy định cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho học sinh để đảm bảo học sinh tốt nghiệp các chương trình trung cấp, cao đẳng đủ điều kiện để liên thông lên các trình độ cao hơn.
Theo luật hiện hành, học sinh hết THCS, theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng, được học một số môn văn hóa bổ sung, được cấp bằng trung cấp và giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT, và đủ điều kiện để học liên thông lên đại học. Như vậy, người học không cần có bằng tốt nghiệp THPT, nhưng được pháp luật công nhận tương đương để tham gia thị trường lao động hoặc học lên trình độ cao. Hiện nay Bộ GD&ĐT đang dự thảo thông tư hướng dẫn nội dung này.
Tuy nhiên, luật cũng không cấm học sinh theo học song song hai chương trình THPT (thường là giáo dục thường xuyên) và trung cấp, và được cấp hai bằng: bằng trung cấp và bằng THPT (thay vì được cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức THPT). Điểm nóng hiện nay là nhiều trường cao đẳng, trung cấp đang được dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT song song với chương trình trung cấp được yêu cầu dừng tổ chức dạy và thi tốt nghiệp THPT.
Thay vào đó, trường phải liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để tổ chức dạy, thi và cấp bằng THPT cho học sinh. Các trường cho rằng học có điều kiện đảm bảo chất lượng tốt hơn, lâu nay vẫn tổ chức đào tạo, nay Bộ yêu cầu dừng, và phải hợp tác với đơn vị có điều kiện đảm bảo chất lượng không bằng, cùng với bất cập về địa điểm dạy học và quản lý học sinh, nên đề xuất được tiếp tục dạy văn hóa như trước đây.
Như vậy, để việc dạy văn hóa cho học sinh theo học giáo dục nghề nghiệp, tôi cho rằng cần đồng thời xử lý nhanh hai việc:
-Thứ nhất, chuẩn hóa việc dạy và cấp giấy giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức THPT cho học sinh tại các trường cao đẳng, trung cấp theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục sửa đổi 2019. Qua đó, học sinh chỉ học một chương trình trung cấp tích hợp đầy đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT, có bằng trung cấp, được công nhận tương tương trình độ THPT, đủ điều kiện tham gia thị trường lao động hoặc được liên thông học tiếp lên trình độ cao hơn (đại học).
-Thứ hai, có lộ trình và giải pháp hạn chế dần việc học song song hai chương trình trung cấp và THPT để có hai bằng. Việc này gây lãng phí cho người học và xã hội bởi giữa hai chương trình có rất nhiều nội dung trùng lặp (ví dụ tin học, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục an ninh quốc phòng, chính trị, pháp luật…).
Tôi cho là cần có lộ trình, và chưa nên cấm ngay bởi thực tế hiện nay việc hướng nghiệp cho học sinh THCS còn chưa đáp ứng yêu cầu, tâm lý của rất nhiều gia đình và cách nhìn của xã hội vẫn cho rằng có hai bằng (trung cấp và THPT) tốt hơn. Bản thân các cơ sở giáo dục cũng cần có thời gian để chuyển đổi. Kiến nghị của phụ huynh học sinh hệ trung cấp của các trường năng khiếu đang diễn ra là ví dụ điển hình về vấn đề này.
Có phải triết lý về phân luồng hướng nghiệp học sinh chưa rõ ràng nên đã dẫn đến những vướng mắc như hiện nay?
Tôi cho rằng triết lý và Luật hiện nay đã rõ. Chủ yếu điểm vướng là trong tổ chức triển khai.
Trước đây, hệ trung cấp chia thành hai nhánh. Nhánh trung cấp chuyên nghiệp. Học sinh được học các môn văn hóa và được cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp, được liên thông lên cao đẳng, đại học (tương đương THPT về trình độ văn hóa).
Các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp thuộc nhánh này (nhiều trường này đã được ngành GD&ĐT cho phép dạy, tổ chức thi và cấp bằng THPT). Nhánh trung cấp nghề học sinh cũng học các môn văn hóa tương tự như trung cấp chuyên nghiệp, tốt nghiệp được cấp bằng trung cấp nghề, được học tiếp cao đẳng nghề, được liên thông lên đại học, nhưng rất khó khăn, không phải trường đại học nào cũng chấp nhận.
Luật Giáo dục nghề nghiệp 2015 đã hợp nhất hai nhánh này và hình thành các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Học sinh học trung cấp, được học bổ sung các môn văn hóa, được học liên thông lên cao đẳng và đại học.
Như vậy, học sinh học hết THCS được lựa chọn hoặc học tiếp THPT, hoặc học giáo dục nghề nghiệp để sớm tham gia thị trường lao động và vẫn được đảm bảo quyền học tập liên thông lên cao hơn, gắn với học tập suốt đời. Điều này cũng phù hợp với nhu cầu nhân lực kinh tế tri thức và giáo dục toàn diện. Trình độ giáo dục nào cũng đòi hỏi người học phải đáp ứng đủ yêu cầu chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng và phẩm chất. Không nên và không thể tách rời giáo dục văn hóa.
Tôi cho là xu hướng này là tất yếu. Tại nhiều quốc gia phát triển học sinh không nhất thiết phải có bằng trung học phổ thông mới được vào đại học. Ngay tại nước ta trong nhiều giai đoạn vẫn có hệ trung học kỹ thuật (trung học nghề), gắn kết chặt chẽ giữa dạy nghề và dạy văn hóa.
Thời gian qua, Bộ LĐTB&XH đề xuất phát triển các chương trình đào tạo 9+ đáp ứng xu hướng trên; và nhận được sự ủng hộ lớn của xã hội. Rất nhiều gia đình lựa chọn các chương trình này cho con em theo học thay vì học THPT. Nhiều chương trình được thiết kế liên thông tổng thể, tích hợp gồm học nghề, học văn hóa để có bằng cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS được đánh giá cao, phù hợp với lứa tuổi của các em.
Một điểm cũng cần nói rõ hơn là các chương trình giáo dục nghề nghiệp được thiết kế theo tín chỉ. Chương trình trung cấp dành cho học sinh tốt nghiệp THCS tối thiểu là 52 tín chỉ (so với 35 tín chỉ với học sinh tốt nghiệp THPT). Cùng là bằng cao đẳng, nhưng có nghề chỉ tối thiểu 60 tín chỉ, có nghề đòi hỏi 90 tín chỉ. Như vậy, để liên thông lên đại học (trên 120 tín chỉ), thời gian học sẽ rất khác nhau tùy số tín chỉ còn thiếu (bình quân 30 tín chỉ/năm). Do vậy, thời gian để có bằng đại học giữa hai lựa chọn THPT hoặc giáo dục nghề nghiệp với học sinh tốt nghiệp THCS về cơ bản tương đương nhau. Phân luồng theo học giáo dục nghề nghiệp giúp người học sớm gia nhập thị trường lao động hơn, đáp ứng phân khúc số lớn nhu cầu nhân lực kỹ năng của thị trường lao động.
Từng làm quản lý ở trường ĐH, ông thấy các trường ĐH sẵn sàng đón nhận học sinh học trường nghề tham dự xét tuyển? Với quyền tự chủ, các trường ĐH có tuyển thí sinh chỉ có giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hoá THPT?
Ông Lê Quân: Hiện nay các trường đại học được tự chủ tuyển sinh. Hình thức xét tuyển hồ sơ cũng đã trở nên phổ biến. Luật giáo dục đại học cũng cho phép các trường được tuyển sinh từ nguồn người học có bằng trung cấp, cao đẳng. Nhiều trường đại học đã ký kết với các trường cao đẳng để tiếp nhận học sinh, sinh viên học liên thông. Pháp luật hiện nay cũng không phân biệt bằng cấp chính quy, tại chức hay liên thông. Do đó, về cơ bản quyền của người học được pháp luật đảm bảo.
Tuy vậy, nhiều trường đại học chưa vận hành chuẩn đào tạo theo tín chỉ, vẫn nặng về đào tạo theo niên chế. Do vậy, thực tế chúng ta còn lúng túng trong việc tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp cao đẳng vào học cùng sinh viên đại học chính quy. Tôi chắc là thời gian tới nhiều trường đại học sẽ quan tâm đến nguồn tuyển sinh này. Sinh viên tốt nghiệp cao đẳng sẽ được đánh giá các tín chỉ còn thiếu và cần hoàn thành khi ứng tuyển vào đại học.
Đây cũng là điểm mới của Luật sửa đổi một số điều của Luật giáo dục đại học mà Quốc hội 14 thông qua. Thời gian tới, ngành giáo dục cần hướng dẫn chi tiết để nâng cao chất lượng đào tạo đại học đối với đối tượng tốt nghiệp cao đẳng.
Ở Cà Mau, công tác phân luồng hướng nghiệp trong hệ thống giáo dục đang triển khai ra sao? Những bất cập, trùng lặp và chồng chéo trong đào tạo dạy nghề được xử lý như thế nào?
Ông Lê Quân:Tại Cà Mau cũng như tại nhiều địa phương khác, việc tổ chức dạy văn hóa cho học sinh trung cấp không gặp bất cập lớn. Thực tế, toàn bộ cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đều trực thuộc tỉnh. Hiện trạng các trung tâm giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp cấp huyện rất yếu. Do đó giải pháp kỹ thuật là cho phép trường cao đẳng có chức năng giáo dục thường xuyên để chủ động hơn về dạy văn hóa.
Cà Mau đang đẩy mạnh thực hiện phân luồng học sinh. Theo đó, hướng ưu tiên là học sinh tốt nghiệp THCS, nếu không có nguyện vọng học ngay lên đại học, được định hướng và hỗ trợ học ngay trung cấp, trình độ cao đẳng, sau đó sớm gia nhập thị trường lao động (gồm cả đưa đi làm việc tại nước ngoài). Việc dạy văn hóa về lâu dài chỉ cấp chứng nhận hoàn thành văn hóa THPT; nhưng trước mắt vẫn cho phép lồng ghép tổ chức học và thi lấy bằng THPT để đáp ứng nhu cầu của gia đình.
Phân luồng sớm giúp giảm số học sinh bỏ học sau THCS do không theo học được THPT, giảm tải cho các trường THPT, và hơn hết là giảm tình trạng học hết THPT nhưng đi lao động phổ thông tại các khu công nghiệp.
Với nền tảng hết THCS, các em vốn đã không nổi trội về học văn hoá, lại phải học thêm tay nghề, sẽ khó mà “tải” hết chương trình để có thể tham gia thi tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, chúng ta đang cần thúc đẩy phân luồng hướng nghiệp thực chất để tạo đột phá về chất lượng nguồn nhân lực. Hướng giải quyết là phải dạy tích hợp các môn học văn hoá với các môn kỹ năng nghề để “giảm tải” cho học sinh trường nghề. Hiện nay giáo viên dạy văn hoá (ở các cơ sở của Bộ GD hay trong các trường nghề của Bộ LĐ) đã đáp ứng được đến đâu trong quá trình đổi mới này?
Phụ huynh, học sinh và nhà trường không ai muốn mất thêm thời gian, tiền bạc để dạy và học song song hai chương trình. Chương trình giáo dục phổ thông gồm 9 năm giáo dục cơ bản (THCS) và 3 năm giáo dục hướng nghiệp. Do đó chương trình giáo dục nghề nghiệp và THPT có rất nhiều nội dung trùng lặp. Chương trình giáo dục nghề nghiệp tích hợp các môn văn hóa là hướng tất yếu.
Khi còn là Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, tôi đã chỉ đạo nghiên cứu và dự thảo sẵn thông tư hướng dẫn ban hành chương trình trung cấp, cao đẳng tích hợp học nghề với học văn hóa. Ngay sau khi Bộ GD&ĐT ban hành thông tư quy định về dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH sẽ ban hành hướng dẫn này và tổ chức tập huấn triển khai.
Quang Sơn (Thực hiện)
Nguồn: Báo vietnamnet.vn
© 2020 DNCC.EDU.VN All Rights Reserved.