Chọn trường nghề vì học đại học sẽ khó xin việc hơn
Không riêng gì Việt Nam, mà tại các nước phát triển, nhị trường lao động nhu cầu về nhân lực có tay nghề cao, được đào tạo bài bản ngày càng tăng lên. Chính vì thế, các trường nghề, trường trung cấp nghề đã, đang và sẽ tiếp tục là điểm lựa chọn của bạn trẻ. Mục đích của hình thức đào tạo học nghề là nâng cao tay nghề cho học viên. Do đó, chương trình học sẽ không nặng về lý thuyết mà thiên nhiều về thực hành. Khi học nghề, các em sẽ ít chịu những áp lực, stress do bài vở hơn so với khi học đại học. Vả lại chi phí về tiền bạc và thời gian cũng ít hơn. Sau 18 tháng hoặc 2 năm tùy theo ngành nghề, các bạn trẻ đã có thể tự đi làm kiếm tiền đỡ gia đình.
Sinh viên học nghề tại trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông được tiếp cận và thực hành với hệ thống trang thiết bị hiện đại
Em Vũ Đức Mạnh (SN 2004, quê Cẩm Khê, Phú Thọ) có số điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 là 26,25 điểm. Tuy nhiên, em đã quyết định dùng số điểm này để nộp hồ sơ vào một trường nghề tại Hà Nội. Đức tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình em không quá khó khăn, nếu đi học đại học bố mẹ em vẫn nuôi được. Nhưng em nghĩ rằng, việc sau khi học đại học sẽ khó có việc làm. Một phần nữa là do mẹ em nhiều năm làm giáo viên lương thấp nên bố mẹ luôn động viên, tôn trọng quyết định của em”.
Một trường hợp khác, đó là Lê Trung, quê Phú Thọ, cũng chọn học trường nghề, dù Phong có điểm thi tốt nghiệp THPT là 26,85 điểm, với môn Địa lý đạt 9,75 điểm. Phong nói: “Chú của em từng là sinh viên trường nghề. Sau khi tốt nghiệp, chú đã mở một xưởng cơ khí, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Có chú hướng nghiệp nên em đã quyết định theo học ngành cơ khi tại trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội.
Vừa học ở trường, vừa đi làm thêm để kiếm tiền, học nghề từ chú, Phong đã nhận được nhiều bài học thực tế nghề nghiệp lại có lương để chi tiêu cá nhân mà không phải xin tiền bố mẹ. Tuy nhiên, Phong cũng nhận ra rằng, làm nghề chỉ là bước đầu cho sự nghiệp. Em chia sẻ: "Ở Việt Nam hiện nay vẫn chuộng bằng cấp. Do đó, muốn vào làm việc tại các cơ quan nhà nước hay các công ty lớn, họ đều yêu cầu bằng đại học. Có thể em sẽ tiếp tục học lên, mới có cơ hội phát triển. Nếu chỉ làm nghề cơ khí như chú em, thì chỉ dừng ở việc học tập trong trường nghề".
2,45 triệu người học nghề trong năm 2022, tăng 17% so với năm trước đó
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, số người học nghề trong năm 2022 nhiều hơn 17% so với mục tiêu đã đặt ra. Cụ thể, số lượng tuyển sinh trong năm 2022 của hệ thống giáo dục nghề nghiệp cả nước ước đạt 2.448.000 người. Con số này đạt 117% kế hoạch đề ra.
Sinh viên ngành Công nghệ Ô tô trong một giờ học thực hành
Trong đó, trình độ cao đẳng tuyển ước đạt được 236.000 người, khoảng 103% kế hoạch. Trình độ trung cấp ước tuyển được 312.000 người, khoảng 104% kế hoạch.
Trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác tuyển được 1,9 triệu người, đạt 122% kế hoạch.
Một số ngành nghề có kết quả tuyển sinh tốt trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp cả nước bao gồm máy tính, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, du lịch…
Theo thống kê, con số gần 2,45 triệu người học nghề trong năm là cao nhất kể từ năm 2018 đến nay. Năm 2018, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cả nước tuyển đạt khoảng 2,2 triệu người, năm 2019 và 2020 đạt 2,3 triệu.
Năm 2021 ghi nhận sự giảm mạnh của số người học nghề khi chỉ tuyển được 1,95 triệu người, khoảng 85% kế hoạch. Nguyên nhân là vì dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến công tác tuyển sinh của nhiều trường cao đẳng, trung cấp trên cả nước.
Dự kiến trong năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu có được khoảng 2,6 triệu học viên học nghề, tức tăng hơn 150.000 người so với năm 2022.
Mục tiêu này cũng nhằm gia tăng tỉ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của Việt Nam, hiện mới chỉ chiếm khoảng 26% tổng lao động trong độ tuổi. Phần lớn lực lượng lao động hiện chưa có bằng cấp.
Tại hội nghị về công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp năm 2022 mới đây, ông Phạm Vũ Quốc Bình - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - cho rằng một trong những yếu tố quyết định giúp tăng số lượng người học nghề trong năm 2022 là do công tác truyền thông.
Từ đó, ngày càng nhiều người nhận thấy được các thế mạnh riêng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp và hiểu được thông điệp "đại học không phải là con đường duy nhất đến thành công".
Cũng theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trong năm 2022, số lượng học viên trường nghề tốt nghiệp vào khoảng 2 triệu người, đạt 115% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, số tốt nghiệp trình độ trung cấp - cao đẳng đạt 346.000 người, trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác đạt 1,75 triệu người.
Nguồn: vavet.vn
© 2020 DNCC.EDU.VN All Rights Reserved.