Đắk Nông - vùng cao nguyên đang từng ngày đổi mới trên con đường phát triển kinh tế – xã hội. Hòa nhịp với chương trình thực hiện Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, tỉnh Đắk Nông đã có sự quan tâm đặc biệt đối với công tác CĐS trong đào tạo, nâng cao phát triển nguồn nhân lực tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Lớp học số với các thiết bị cài đặt phần mềm mô phỏng công nghệ 4.0 nghề Công nghệ ô tô được đầu tư tại trường CĐ Cộng đồng Đắk Nông
Ứng dụng CĐS – giải pháp căn cơ, hiệu quả
So với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Đắk Nông là một trong những địa phương còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về nhiều mặt. Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo phát triển nguồn nhân lực, tỉnh chưa có trường Đại học và chỉ có duy nhất trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông. Đây là cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo đa ngành, đa nghề (22 nghề) trong đó có 03 nghề trọng điểm quốc gia, 07 nghề mũi nhọn của tỉnh, cung ứng nguồn nhân lực tại chỗ có kỹ năng nghề, đạt chất lượng cho thị trường lao động địa phương.
Đi thực tế, trải qua con đường dài còn nguyên sơ đất đỏ trên đường Hùng Vương (TP Gia Nghĩa), chúng tôi mới đến được trụ sở chính của trường. Đây là cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn rất non trẻ, mới đi vào hoạt động được 5 năm. Trên nền tảng tận dụng cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giảng viên của hệ thống trường trung cấp nghề của địa phương đã xóa bỏ, trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông chính thức được thành lập theo Quyết định số 756/QĐ- BLĐTBXH, ngày 18/06/2018 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
HSSV trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông trong giờ thực hành trên thiết bị thật nghề Công nghệ ô tô
Theo đề án thành lập trường, đến năm học 2022- 2023, tổng số người làm việc của trường là 173 người với quy mô đào tạo 2.100 học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nhà trường thiếu biên chế và đội ngũ nhà giáo có chuyên môn phù hợp với ngành, nghề đào tạo, nhà trường mới được giao 72 biên chế. Trong đó, 57 người hưởng lương từ ngân sách và 15 người hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.
Căn cứ vào tiềm lực, năng lực con người cũng như hạ tầng cơ sở vật chất, nhà trường mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% đề án, với quy mô 1.100 học sinh, sinh viên. Hệ thống cơ sở vật chất chưa đạt chuẩn, chưa đồng bộ để có thể đáp ứng nhu cầu dạy nghề ở các ngành nghề. Vậy làm sao để làm tốt công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn là bài toán trăn trở, cần có giải pháp tháo gỡ phù hợp của lãnh đạo nhà trường.
Trong điều kiện khó khăn đó, những quyết sách mạnh dạn của ban giám hiệu nhà trường, sự quan tâm, ủng hộ của UBND tỉnh Đắk Nông, đó là quyết tâm đầu tư hàng tỷ đồng cho hệ thống trang thiết bị, phòng học số, ứng dụng CĐS trong đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các ngành nghề trọng điểm, trước tiên là các nghề: Công nghệ ô tô, Điện, Điện tử công nghiệp và sẽ từng bước mở rộng thêm nhiều nghề trọng điểm khác.
Kỹ sư Phan Thành Dũng , chuyên gia tư vấn, thiết kế phần mềm ứng dụng CĐS trong các cơ sở GDNN
Kỹ sư Phan Thành Dũng, GĐ Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Điện tử tự động hóa DKS cho biết: «Thực tế cho thấy, nhịp điệu của cuộc CMCN 4.0 đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, sẽ không có một cơ sở giáo dục nghề nghiệp nào, ngay cả các nước phát triển cũng không thể đáp ứng được đủ hạ tầng, máy móc cập nhật từng ngày theo xu hướng phát triển công nghệ. Trong khi, ứng dụng CĐS trong đào tạo nghề trở nên ưu việt, đáp ứng được những yêu cầu về đào tạo trong bối cảnh công nghệ luôn thay đổi, các kỹ năng mới được cập nhật thường xuyên.
Trong môi trường công nghệ số, với kỹ năng số, thực hành số, người học được tiếp cận và nâng cao kỹ năng không giới hạn thời gian và nhanh chóng thu được kỹ năng, ứng dụng thực hành thuần thục trong thực tế. Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông là đơn vị tiên phong thực hiện mô hình CĐS ứng dụng trong đào tạo».
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lành, hiệu trưởng nhà trường khẳng định: « Ứng dụng CĐS trong đào tạo nghề đang là nhu cầu cấp thiết, nhằm tạo điều kiện cho người học được tiếp cận, nâng cao năng lực, kỹ năng nghề nghiệp nhanh chóng, cũng như tiết kiệm được nhiều chi phí vật tư thực hành, nguồn nhân lực giảng dạy và đảm bảo tính năng an toàn khi thực hành.
Đây chính là giải pháp căn cơ, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của nhà trường và bền vững đối với việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. CĐS mang đến nhiều lợi ích cho học sinh, sinh viên nhà trường để phát triển kỹ năng nghề nghiệp, thích ứng với cuộc CMCN 4.0».
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lành, hiệu trưởng trường CĐ Cộng đồng Đắk Nông
Tiết kiệm, hứng thú hơn nhiều so với cách học truyền thống
Nhìn vẻ bề ngoài dãy nhà cũ kỹ bên rừng thông bạt ngàn, không thể ngờ bên trong đó có những phòng học số, lớp học số với trang thiết bị công nghệ 4.0 hiện đại nhất hiện nay. Những học sinh, sinh viên học trình độ trung cấp, cao đẳng nghề Công nghệ ô tô, nghề Điện, Điện tử Công nghiệp của nhà trường, nhiều em đến từ vùng đồng bào dân tộc thiểu số không quá xa lạ với các thiết bị học tập hiện đại như thế. Đối với các em học sinh, sinh viên trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông, CĐS như chìa khóa vạn năng mở ra, được trải nghiệm, khám phá trong niềm say mê, thực sự gắn bó với nghề đã chọn.
Học sinh Sùng A Mong, lớp 11, dân tộc H’Mông, huyện Đắk Glong cho biết: « Học nghề công nghệ ô tô tại trường, được hình thành kỹ năng trên máy tính có cài đặt phần mềm mô phỏng, thế giới nhà xưởng mô phỏng rất sinh động như thực hành trên máy thật, em không thấy khác xa so với phương thức học truyền thống. Thậm chí, các kỹ năng được phát triển rất nhanh và khi bước vào thực tế em đều áp dụng được giống như từng làm trên phần mềm thiết bị công nghệ 4.0. Em tin rằng, sau khi tốt nghiệp em sẽ có nhiều cơ hội việc làm và hoàn toàn có thể về buôn làng hỗ trợ đồng bào sửa chữa máy ủi, máy tưới cà phê trên rẫy».
Học sinh Cao Gia Bảo chia sẻ học trên thiêt bị CĐS có hứng thú học, không bị nhàm chán
Học sinh Cao Gia Bảo, lớp 11, trung cấp nghề Công nghệ ô tô K22, dân tộc H’Mông bày tỏ: « Chúng em học hệ song bằng 9+, vừa học văn hóa, vừa học nghề, đôi khi cảm thấy cũng hơi vất vả. Nhưng bù lại học nghề Công nghệ ô tô bằng thiết bị công nghệ 4.0, cụ thể là thực hiện các kỹ năng số đã tạo cho chúng em sự hứng thú trong học tập và rèn luyện, không bị nhàm chán. Học xong mô- đun nào là làm được ngay các kỹ năng của mô- đun đó, nên chúng em thấy rất yên tâm và sẵn sàng trau dồi kỹ năng để hòa nhập vào thị trường lao động đang cần.
Thầy Nguyễn Thanh Thuận, giảng viên nghề Công nghệ ô tô cho biết: Thời lượng học trên các thiết bị công nghệ và lý thuyết chiếm tới 60- 70%, còn lại các em sẽ được thực tập tại doanh nghiệp. Lợi ích của CĐS ứng dụng công nghệ thực hành ảo là tiết kiệm được nguyên vật liệu, chi phí vật tư, hao mòn máy móc, trang bị được kỹ năng an toàn lao động, tránh được những rủi ro tai nạn nghề nghiệp xảy ra.
Nếu như trước kia người giáo viên và học sinh, sinh viên phải thực hiện thao tác kỹ năng mẫu trên mô hình thật để hình thành kỹ năng, đòi hỏi phải thực hiện tần suất nhiều lần. Có khi phải thực hành tới 10 lần mới hình thành được kỹ năng, nhưng với thực hành kỹ năng số, chỉ cần từ 2- 3 lần là đã làm được. Điều đó làm cho hao mòn nguyên vật liệu rất nhiều.
Còn đối với mô hình thực hành ảo để hình thành kỹ năng, qua đó nhớ được quy trình và nhớ được phương pháp thao lắp thiết bị động cơ. Sau đó mới chuyển qua thực hành trên thiết bị thật mà không còn bỡ ngỡ. Công cụ CĐS chắc chắn rút ngắn khoảng cách thời gian đối với người học, giúp người học dễ tiếp cận. CĐS giúp học sinh, sinh viên nhanh tiếp thu bài hơn, đặc biệt là hứng thú, ham thích học hơn so với phương pháp thực hành truyền thống.
Sự lựa chọn và hướng đi trên con đường CĐS nói chung của tỉnh Đắk Nông, cũng như ứng dụng CĐS trong đào tạo và phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bao phủ ở các ngành nghề trọng điểm quốc gia, các nghề mũi nhọn của tỉnh giao nhiệm vụ sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.
CĐS là động lực để trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông tạo ra nguồn nhân lực dồi dào, thực sự có chất lượng, đóng góp cho diện mạo mới của nền kinh tế- xã hội Đắk Nông trong giai đoạn mới, cùng hội nhập và phát triển sánh ngang với nhiều địa phương của cả nước.
Thu Thủy
© 2020 DNCC.EDU.VN All Rights Reserved.