Chiều 12/04/2022, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã có buổi làm việc với ông Hồ Văn Mười - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ông Lê Văn Chiến - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; cùng Giám đốc các sở ngành tỉnh Đắk Nông.
Ông Hồ Văn Mười - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, năm 2020, PCI tỉnh Đắk Nông xếp thứ 60/63 với 60,96 điểm, tăng 1,46 điểm và 02 bậc so với năm 2019. Trong đó có 05 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra: Chi phí gia nhập thị trường, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Thiết chế pháp lý; 4 chỉ tiêu cao hơn trung vị cả nước là Chi phí gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Cạnh tranh bình đẳng.
Chỉ số ghi nhận tăng điểm cao nhất là gia nhập thị trường đạt 8,03 điểm, tăng 1,27 điểm, tiếp đến là các chỉ số cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý, đào tạo lao động và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đều có mức tăng điểm so với năm 2019.
Theo ông Mười, vấn đề cải thiện chỉ số PCI đang được tỉnh Đắk Nông thực hiện một cách quyết liệt. Cụ thể, về cải cách thủ tục hành chính: Các thủ tục hành chính được công khai trên hệ thống thông tin Một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Để tiết kiệm Chi phí thời gian và Chi phi phí không chính thức cho doanh nghiệp, người dân, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân sử dịch vụ; đến nay, tỉnh đã cung cấp 620 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thời gian qua UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Tổ hỗ trợ công tác đầu tư các dự án ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh (Quyết định 558/QĐ-UBND ngày 23/4/2021); ban hành quy định hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (Quyết định 2120/QĐ-UBND ngày 01/12/2021).
Về công tác xúc tiến đầu tư: Lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp chủ trì tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn kinh tế lớn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh; trên cơ sở biên bản ghi nhớ tại các buổi làm việc, các cơ quan chuyên môn đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất dự án.
Nhằm chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, UBND tỉnh đang hoàn thiện và sẽ ban hành danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư đã đảm bảo đầy đủ các thông tin, cơ sở pháp lý để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư tại tỉnh Đắk Nông.
Về công tác quy hoạch, tiếp cận đất đai: Về định hướng phát triển, tỉnh đã triển khai các bước lập Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo kế hoạch. Tỉnh đã mời một đơn vị tư vấn quốc tế có kinh nghiệm và năng lực lập quy hoạch.
Việc mời đơn vị tư vấn quốc tế chính là sự khẳng định tầm quan trọng cũng như quyết tâm của lãnh đạo tỉnh để xây dựng và phát triển Đắk Nông một cách bài bản và bền vững. Dự thảo quy hoạch cũng sẽ được lấy ý kiến phản biện rộng rãi để đảm bảo tính khả thi.
Về công tác hỗ trợ doanh nghiệp: Ngoài các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành, để kịp thời thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động theo chủ trương của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, thuế, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng; hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng;gia hạn nộp thuế cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch. Tỉnh cũng đã tích cực triển khai thực hiện “luồng xanh” vận tải; thành lập Tổ công tác hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản, hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên giao dịch trên sàn thương mại điện tử.
Về công tác thông tin, truyền thông: Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã có những tin, bài, phóng sự phản ánh tích cực, đưa tin về nỗ lực của chính quyền địa phương trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh. Một số cơ quan chuyên môn đã chú trọng công bố thông tin, công khai minh bạch các tài liệu, văn bản trên các bản tin, tập san, trang Thông tin điện tử của các đơn vị.
Tuy nhiên, ông Mười cũng chỉ rõ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. “Trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức gặp mặt đối thoại doanh nghiệp với nhiều hình thức; tuy nhiên, kết quả đạt được chưa cao, chưa giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Những hạn chế trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số PCI xếp thứ hạng thấp đã tác động không tốt đến hình ảnh của tỉnh Đắk Nông trong đánh giá của doanh nghiệp, nhà đầu tư”.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đề xuất: Thứ nhất, là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tỉnh Đắk Nông mong muốn VCCI hỗ trợ tỉnh trong công tác kêu gọi quảng bá, xúc tiến đầu tư, trở thành cầu nối thông tin quan trọng để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu thông tin và đầu tư tại tỉnh.
Thứ hai, hỗ trợ tỉnh tổ chức Hội thảo giữa chính quyền và nhà đầu tư nhằm tìm ra nguyên nhân và giải pháp căn cơ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trước mắt hỗ trợ tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ công chức làm nhiệm vụ liên quan đến công tác hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư và công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thứ ba, để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI trong những năm tiếp theo, qua đó cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh của tỉnh Đắk Nông, đề nghị VCCI tư vấn về các nội dung, giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số PCI.
Thứ tư, VCCI cần đa dạng hóa các hình thức điều tra, thu thập thông tin chấm điểm PCI (thông qua phiếu khảo sát trực tiếp, điện thoại, email, thông tin từ các báo cáo, chỉ đạo điều hành của tỉnh,…); có giải pháp khắc phục tình trạng người viết phiếu trả lời khảo sát, điều tra không đúng đối tượng được điều tra.
Chủ tịch Đắk Nông khẳng định sẽ thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư, ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tới xúc tiến hoạt động đầu tư tại địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định, Đắk Nông đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất từ trước đến nay với ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn đến khảo sát, đầu tư.
Theo Chủ tịch VCCI, tỉnh Đắk Nông có một số tiềm năng, lợi thế như: Trữ lượng khoáng sản bô xít loại tốt nhất thế giới và lớn nhất cả nước, với trữ lượng khoảng 5,4 tỷ tấn nguyên khai. Được coi là lợi thế tự nhiên đặc biệt quan trọng trong việc thu hút phát triển ngành công nghiệp alumin, luyện nhôm, chế biến sâu sản phẩm từ nhôm và các ngành phụ trợ khác.
Đặc biệt, Đắk Nông là vùng đất lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của hơn 40 cộng đồng dân tộc cùng chung sống với những bản sử thi truyền đời, những di tích lịch sử, không gian nghệ thuật, văn hóa cồng chiêng, nghề dệt thổ cẩm tinh xảo, lễ hội truyền thống của người dân tộc bản địa, rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch.
Theo nhìn nhận của người đứng đầu VCCI, ngoài những lĩnh vực có thế mạnh nêu trên, tỉnh Đắk Nông còn là điểm đến cho các nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư vào các lĩnh vực y tế, giáo dục. Đây là những lĩnh vực cũng hứa hẹn là lĩnh vực sẽ phát triển tốt để đầu tư kinh doanh trong tương lai gần.
Với tiềm năng, lợi thế lớn cùng những chính sách ưu đãi được triển khai kịp thời, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công tin tưởng, Đắk Nông sẽ đạt được những bước phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Trước những kiến nghị của tỉnh Đắk Nông, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định VCCI sẽ đồng hành cùng tỉnh Đắk Nông trong việc quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư, cải thiện chỉ số PCI. Đồng thời, sẽ hình thành đầu mối VCCI tại Tây Nguyên để có thể nhanh chóng hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư của tỉnh.
© 2020 DNCC.EDU.VN All Rights Reserved.