Chiều ngày 9/4, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc triển khai công tác năm 2021, định hướng công tác những năm tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ KH&Cn Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: BL) |
KH&CN góp phần gia tăng sản lượng hàng hoá ở địa phương
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) Nguyễn Hoàng Giang cho biết: Năm vừa qua, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, Việt Nam vẫn thực hiện thành công mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2,91% và nằm trong nhóm 10 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới.
Trong bảng xếp hạng Chỉ số GII năm 2020, Việt Nam xếp ở vị trí 42/131 quốc gia/nền kinh tế, duy trì thành công thứ hạng đã đạt được và đứng thứ nhất trong nhóm 29 quốc gia/nền kinh tế có cùng mức thu nhập, đứng thứ 3 trong ASEAN.
Cụ thể, chỉ số GII của Việt Nam có nhiều kết quả tích cực như: Hệ thống đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam có kết quả nổi bật về Trình độ phát triển của thị trường, xếp hạng 39 (tăng 30 bậc). Trong đó, tiến bộ đáng chú ý là về liên kết ĐMST, với kết quả tốt hơn ở chỉ số Hợp tác Viện trường - doanh nghiệp, xếp hạng thứ 65 (tăng 10 bậc).
Việc cải thiện về đầu ra ĐMST, nhóm chỉ số Sáng tạo tri thức và Lan truyền tri thức có cải thiện tích cực, trong đó, nhóm chỉ số Lan truyền tri thức xếp hạng 14 được coi là thế mạnh của Việt Nam.
Trong kết quả chung đó có sự đóng góp rất tích cực của ngành khoa học và công nghệ nói chung, hoạt động khoa học và công nghệ địa phương nói riêng.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ KH&CN và các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố đã chủ động ban hành các văn bản để cụ thể hóa và tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KH&CN trên địa bàn; các cơ chế, chính sách được triển khai, vận dụng hết sức linh hoạt, sáng tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, xác định doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo; tập trung hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế phát triển của địa phương; tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ KH&CN phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…
Có thế khẳng định, KH&CN đóng góp ngày càng nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa. Khoa học và công nghệ ngày càng khẳng định vị thế và đóng góp thiết thực cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ trưởng cũng cho biết, năm 2021 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết đại hội các cấp, là năm đầu triển khai kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, toàn ngành KH&CN từ Trung ương tới địa phương sẽ cùng tăng cường kết nối, phối hợp hành động với mục tiêu chung là triển khai có hiệu quả các hoạt động KH&CN trên phạm vi toàn quốc, làm cho KH&CN đóng góp ngày càng nhiều hơn, hiệu quả hơn với phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà.
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: BL) |
Thử nghiệm các chính sách đột phá
Tại hội nghị đại diện lãnh đạo các sở KH&CN cũng đề xuất và kiến nghị nhiều giải pháp đưa KH&CN địa phương tiến tới phát triển mạnh mẽ.
Nêu đề xuất cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế, thử nghiệm chính sách mới trong lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cho biết: Hà Nội đang tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô trong thúc đẩy việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ mới và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Trước hết là các chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, triển khai một số mô hình kinh tế mới, mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh lại cho rằng, ở giai đoạn đầu của các doanh nghiệp khởi nghiêp sáng tạo (phát triển ý tưởng thành sản phẩm, hoàn thiện sản phẩm, ươm tạo, thử nghiệm sự phù hợp của sản phẩm với thị trường…) gần như không có nguồn lực tư nhân nào tham gia. Đây cũng là giai đoạn thất bại nhiều nhất của các doanh nghiệp này, do đó Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ chính thông qua các tổ chức hỗ trợ và ươm tạo.
Từ năm 2016, Thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với mục tiêu góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh như: Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020; quy chế phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Nhấn mạnh việc thể chế, cơ chế làm sao thúc đẩy hoạt động KHCN ngay tại cơ sở, ông Hoàng Bá Nam, Giám đốc Sở KHCN Quảng Ninh cho rằng, có những vấn đề phải vượt qua những ràng buộc trong cơ chế hiện nay thì mới tạo ra đột phá. Trong thời gian tới, ngành KH&CN cần tiếp tục đi sâu vào cải cách thể chế, có thể thành lập Tổ công tác rà soát lại những thông tư, nghị định, văn bản dưới luật…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết: “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2020 đưa ra quan điểm phát triển nhanh và bền vững với tư duy và cách tiếp cận mới, đó là dựa chủ yếu vào KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là điều tự hào, nhưng cũng là thách thức của ngành KH&CN”.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đề nghị các Sở KHCN cần hết sức chủ động, sáng tạo trong việc tham mưu, xây dựng, triển khai kế hoạch, chương trình, đề án phát triển KHCN để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, bảo đảm phù hợp bối cảnh và điều kiện của địa phương và đề xuất các giải pháp triển khai khả thi, vững mạnh, có tính đột phá nhằm phục vụ tốt nhất cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Đặc biệt nhấn mạnh xây dựng các cơ chế, chính sách có tính chất nổi trội, đột phát, minh bạch, công khai, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay, hiện nay các đơn vị chức năng của Bộ đang xây dựng cơ chế thí điểm khoán đến sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ KHCN sử dụng nguồn ngân sách nhà nước trên nguyên tắc tôn trọng đặc thù của hoạt động nghiên cứu, chấp nhận rủi ro. Đây là vấn đề khó, cần sự quyết tâm, kiên trì của toàn ngành KHCN cũng như sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu…
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt mong muốn trong thời gian tới, các Sở KHCN tiếp tục đề xuất các chính sách để các bộ, ngành Trung ương xem xét ban hành; chủ động xây dựng các đề án đổi mới, sắp xếp lại hệ thống theo hướng gọn, đáp ứng được yêu cầu quản lý, khả năng hoạt động hiệu quả, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao của ngành KHCN. Đồng thời, triển khai khai thác các kết quả nghiên cứu đã có và có khả năng ứng dụng ngay tại địa phương, phục vụ trực tiếp các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương, thông qua việc nâng cao năng suất, chất lượng của các sản phẩm chủ lực địa phương; tiếp tục nghiên cứu việc xây dựng các nhiệm vụ KHCN và đổi mới sáng tạo có tính liên vùng…/.